ĐIỂM TIN THỊ TRƯỜNG ĐIỆN TỬ W48.2023

1. SK hynix đạt kỷ lục 35% thị phần DRAM trong quý 3 

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Omdia, SK hynix gần đây đã đạt được thị phần 35% trong lĩnh vực DRAM, đánh dấu mức cao nhất kể từ khi thành lập công ty. 

Sự tăng trưởng của trí tuệ nhân tạo (AI) được xác định là yếu tố quan trọng mang lại lợi ích cho ngành DRAM. Tỷ lệ máy chủ AI ngày càng tăng kéo theo nhu cầu về DRAM tăng cao. Bên cạnh đó bộ nhớ băng thông cao (HBM) được đánh giá là phần quan trọng nhất của bộ nhớ AI. Các công ty lớn trên toàn cầu về công nghệ thông tin đang dành sự chú ý đặc biệt đến HBM.  

Dự báo thị trường: Tốc độ tăng trưởng hàng năm của doanh thu thị trường DRAM được dự đoán là 21% từ năm nay đến năm 2027. Thị trường HBM dự kiến sẽ có mức tăng trưởng đáng kể hơn nữa với tốc độ tăng trưởng hàng năm dự kiến là 52%.

Xem thêm: SK hynix Achieves Record 35% Market Share in DRAM in Q3

2. Tác động của cuộc chiến chip Mỹ – Trung Quốc tới chuỗi cung ứng toàn cầu 

Bắc Kinh gần đây đã cấm chip của Micron và hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô. Đáp lại Mỹ cùng các đồng minh cũng hạn chế xuất khẩu công nghệ sản xuất chip sang Trung Quốc. Trong bối cảnh nhiều cơ sở sản xuất trên thế giới đặt tại Trung Quốc, sự leo thang của cuộc chiến chip Mỹ-Trung Quốc tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Với việc hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu thô quan trọng như germanium và gali, Trung Quốc đang khiến các khu vực sản xuất chất bán dẫn tại Mỹ gặp khó khăn về nguồn cung. Điều này gián tiếp dẫn đến sự khan hiếm của hàng bán dẫn, cũng như làm tăng giá các sản phẩm bán dẫn. 

Ở phía ngược lại, các đồng minh của Mỹ như Hà Lan và Nhật Bản đang hạn chế xuất khẩu công nghệ sản xuất chip sang Trung Quốc. Điều này làm ảnh hưởng tiến độ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại quốc gia này, đặc biệt là đối với các ứng dụng phát triển trí tuệ nhân tạo. 

Trước tình hình xung đột leo thang, các công ty sản xuất lớn trên thế giới lựa chọn việc đa dạng hóa địa điểm sản xuất và phát triển dây chuyền của mình sang các quốc gia có tính ổn định về chính trị hơn. Ví dụ như: Dell đang loại bỏ dần chip sản xuất tại Trung Quốc vào năm 2024, chọn sản xuất 20% máy tính xách tay tại Việt Nam. Micron đang đầu tư 100 tỷ USD vào Mỹ và xây dựng nhà máy đóng gói trị giá 1 tỷ USD ở Ấn Độ để nội địa hóa chuỗi cung ứng của mình. 

Xem thêm: The U.S.-China Chip War: What it Means for You

3. Texas Instruments sa thải nhóm R&D MCU tại Trung Quốc  

Texas Instruments gần đây đã sa thải nhóm R&D MCU của mình tại Trung Quốc và chuyển toàn bộ hoạt động R&D của MCU sang Ấn Độ. Toàn bộ thành viên của đội Trung Quốc đã bị phân tán và phân công sang các dòng sản phẩm khác,  với chức vụ và mức lương không thay đổi.  

Nhóm R&D MCU của Texas Instruments tại Trung Quốc chủ yếu tập trung vào nghiên cứu và phát triển dòng sản phẩm MSP430. Dòng sản phẩm này được tung ra thị trường từ năm 1996 dưới dạng dòng 16-bit tiêu thụ điện năng cực thấp và giá thành tốt. Cho đến nay, đã có hơn 500 sản phẩm thuộc dòng MSP430. Nó được sử dụng rộng rãi trong điều khiển công nghiệp, ô tô, điện tử tiêu dùng, y tế và các lĩnh vực khác. Trung tâm R&D Thượng Hải của Texas Instruments được thành lập vào năm 2010 và nhóm R&D Trung Quốc cho dòng sản phẩm MSP430 được thành lập vào năm 2011.  

Tuy nhiên do nhu cầu của thị trường Trung Quốc về MCU giảm và sức cạnh tranh bởi các nhà sản xuất nội địa quá lớn đã khiến Texas Instruments lựa chọn dừng lại việc phát triển thêm tại thị trường này. 

Xem thêm: Texas Instruments lays off MCU R&D team in China

Chia sẻ